Thông tin mẫu sổ hồng nhà đất mới nhất 2021
Sổ hồng là một trong số giấy tờ quan trọng của nhà đất. Nó thay đổi theo thời gian, cái mới thay đổi nhằm bổ sung và khắc phục những hạn chế của sổ cũ. Và trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin cung cấp thông tin về Mẫu sổ hồng nhà đất mới nhất 2021.
Sổ hồng là sổ gì?
Sổ hồng và sổ đỏ là cách gọi dân gian của người dân được dùng để chỉ giấy chứng nhận về nhà đất dựa theo màu sắc. Luật đất đai và nhà ở qua các thời kỳ có sự thay đổi.
Trước ngày 10/12/2009 ban hành 2 loại giấy chứng nhận là Sổ Hồng và Sổ Đỏ. Cụ thể như sau:
- Sổ Đỏ: là Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất, có bìa màu đỏ nên hay gọi là Sổ Đỏ do Bộ Tài Nguyên – Môi Trường ban hành.
- Sổ Hồng: là Giấy Chứng Nhận Quyền Sở Hữu Nhà Ở Và Quyền Sở Hữu Đất Ở, có bìa màu hồng nên hay gọi là Sổ Hồng do Bộ Xây Dựng ban hành.
Kết luận, “Sổ hồng” là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Thông tin trên mẫu sổ hồng mới nhất
– Trang đầu tiên trong cuốn sổ hồng là các nội dung có vai trò quan trọng nhất‚ bao gồm:
+ Họ và tên đầy đủ của chủ sở hữu nhà ở‚ người sử dụng đất và chủ sở hữu các tài sản khác có gắn liền với đất.
+ Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” in màu đỏ;
+ Mục “I. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 06 chữ số, được in màu đen;
+ Dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
– Trang 2 là những thông tin cơ bản về nhà ở‚ thửa đất và các tài sản khác có gắn liền với đất.
Mục “II. Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, trong đó có các thông tin để xác định gồm:
+ Số thửa đất, số tờ bản đồ;
+ Địa chỉ của thửa đất;
+ Phần diện tích được công nhận và phần không được công nhận (thường là đất do lấn chiếm) hoặc diện tích đất lưu không;
+ Hình thức sử dụng là đất thổ cư, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp,… Muốn chuyển đổi mục đích sử dụng phải làm thủ tục;
+ Phần diện tích sử dụng chung hoặc ngõ đi chung;
+ Thời hạn sử dụng đất là lâu dài, hay có thời hạn tới năm bao nhiêu. Nếu có thời hạn thì hết thời hạn chủ đất phải đi làm thủ tục gia hạn sử dụng. Hết thời hạn ghi trên sổ thì chủ đất không thể tiếp tục thực hiện giao dịch chuyển nhượng;
+ Nguồn gốc sử dụng đất: Với đất ở thì ghi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất;
+ Tài sản gắn liền với đất: Ghi tại vị trí Công trình xây dựng, diện tích nhà được xây dựng trên thửa đất. Diện tích sàn là diện tích mặt bằng xây dựng;
+ Hình thức sở hữu: “Chung” hoặc “Riêng”. Với hình thức sở hữu “Chung” thì quyền sử dụng đất được xác định là tài sản chung của các đồng sở hữu (thường là lối đi hoặc đất xây dựng nhà chung cư, tập thể …);
+ Thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm và ghi chú; Với đất trồng cây hàng năm thì ghi: Công nhận QSDĐ như giao đất không thu tiền sử dụng đất;
+ “Ngày … tháng … năm …..” ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký cấp Giấy chứng nhận;
+ Số vào sổ cấp GCN (Giấy chứng nhận);
+ Công trình xây dựng khác là kích thước các cạnh dựa vào bản vẽ hiện trạng trên sổ. Được ghi trực tiếp trên các cạnh hoặc căn cứ vào khoảng cách giữa các điểm.
– Trang 3 là bản vẽ sơ đồ của nhà ở‚ thửa đất và các tài sản khác có gắn liền với đất cùng một vài thay đổi sau khi được cấp Giấy chứng nhận.
+ Mục III. “Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”;
+ Mục IV. “Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”;
Thể hiện sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên Giấy chứng nhận.
– Trang 4 tiếp tục là phần để ghi chép những về sự thay đổi sau khi được cấp Giấy chứng nhận
– Trang cuối cùng là trang bổ sung Giấy chứng nhận.
+ Dòng chữ “Trang bổ sung Giấy chứng nhận“;
+ Số hiệu thửa đất;
+ Số phát hành Giấy chứng nhận;
+ Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận;
+ Mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận” như trang 4 của Giấy chứng nhận.
Trên đây là thông tin về mẫu sổ hồng mới nhất, mong rằng bài viết của chúng tôi hữu ích và có giá trị với các bạn. Cảm ơn các bạn đã theo dõi!
Tìm hiểu thêm:
Mất sổ đỏ có làm lại được không?